Nguồn: Overholt, Morgan. “7 Steps I Took to Create an Attractive Profile on Upwork and Make $400,000 as a Freelance Designer”. Business Insider.
Tôi đã kiếm được hơn 400 ngàn đô khi làm việc thiết kế tự do trên nền tảng Upwork. Dưới đây là cách tôi tạo nên một profile hoàn hảo để thu hút những khách hàng chất lượng.
- Morgan Overholt là một nhà thiết kế đồ họa làm việc tự do (freelance graphic designer), cô đã kiếm được $400,000 làm việc trên nền tảng Upwork.
- Cách đây bốn năm, theo chân những freelancer khác, cô rời bỏ công việc ổn định và tìm được thành công cho bản thân.
- Để tự xây dựng một hồ sơ năng lực hấp dẫn trên Upwork, cô nhờ khách hàng để lại những nhận xét và đánh giá, cũng như tìm cho mình một chức danh độc đáo.
Khi nghỉ việc để theo đuổi nghiệp freelance cách đây bốn năm, tôi biết rằng mình phải thành thạo nghệ thuật kiếm việc trên mạng. Tôi cũng hiểu rằng thông thạo các nền tảng trực tuyến sẽ là bí quyết thành công của mình.
Tôi từng thử qua nhiều nền tảng khác nhau như Fiverr và Thumbtack, cuối cùng thì làm việc trên Upwork là lời nhất nếu so về thời gian và tiền bạc đổ ra. Đến nay, tôi đã nhận hơn 400 ngàn đô từ nền tảng này.
Tôi cố giữ điểm công việc thành công ở mức 100% JSS (Job Success Score). Tôi nằm trong số những người dẫn đầu trong hạng mục, đồng thời đạt điểm bình chọn cao (Top-Rated Plus) bởi các chuyên gia. Theo thống kê Upwork, tỷ lệ phỏng vấn và nhận việc thành công của tôi là 99% khi so sánh với các freelancer khác.
Cũng như hầu hết các thành tựu khác trong đời, thành công này không đến trong một sớm một chiều.
Nó đòi hỏi rất nhiều những thử nghiệm, sai sót, kiên nhẫn và lắng nghe lời khuyên từ những freelancer thành công, những người từng giống tôi.
Vì vậy giờ đây tôi muốn giúp đỡ thế hệ freelancer tiếp nối những thành công của chúng tôi bằng cách chia sẻ kinh nghiệm tạo nên một profile hoàn hảo trên Upwork.
1/ Đừng vội từ bỏ
Rất nhiều freelancer mới trên Upwork dễ nản chí và quyết định từ bỏ chỉ sau một vài đề xuất công việc không được phản hồi.
Tôi hiểu, thật sự khó chịu khi bị từ chối hoặc phớt lờ. Tôi từng nộp hàng tá đề xuất nhận việc trong suốt hai tuần, trước khi nhận được công việc đầu tiên.
Công việc thứ hai đến với tôi chỉ một ngày sau cái đầu tiên, hai dự án tiếp theo đến sau đó một tuần. Trước khi tôi kịp nhận ra, tôi nhận được quá nhiều thư dự án đến nỗi phải từ chối bớt.
2/ Hãy dùng đủ mọi cách
Không phải phần nào trong profile Upwork cũng quan trọng như nhau, nhưng tốt nhất là bạn cần hoàn chỉnh profile của mình.
Tôi dùng phần lịch sử công việc và học vấn để giới thiệu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình. Bằng cấp của tôi về chuyên ngành Khoa học máy tính và digital media được trình bày đầy đủ, quá trình làm việc thể hiện rõ kinh nghiệm của một chuyên gia về digital media và freelancer.
Tab “Kinh nghiệm khác” dùng để khoe các giải thưởng và danh hiệu gần đây chẳng hạn như chứng nhận “Expert Vetted” trên Upwork hoặc được giới thiệu trên báo chí.
Hiện tại, tôi bỏ qua mục Project Catalog vì không muốn đưa ra một bảng giá cố định cho dịch vụ của mình và tôi cũng hài lòng với khối lượng công việc hiện tại. Trong tương lai, tôi có thể xem xét lại.
3/ Cân nhắc chụp một tấm hình chân dung chuyên nghiệp
Tôi cho rằng kiếm việc freelance trên các nền tảng trực tuyến cũng như hẹn hò online: Ấn tượng ban đầu quyết định mọi thứ.
Hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng. Thử hình dung bạn sắp nhận một dự án hàng triệu đô-la và cần lầm việc với những ứng viên hàng đầu và chuyên nghiệp.
Ai sẽ lọt vào mắt xanh của bạn? Một anh chàng với ảnh tự sướng quá ảo hay một ứng viên với ảnh chân dung chuyên nghiệp, hoặc ít nhất cũng bỏ công sức để thể hiện sự chỉn chu?
Những khách hàng tốt nhất tìm kiếm những người chuyên nghiệp và tin cậy. Hãy trở thành người tốt nhất mà bạn có thể.
4/ Suy nghĩ một chức danh thật thu hút
Chức danh là một trong những chi tiết đầu tiên khách hàng nhìn thấy khi tìm kiếm hay đánh giá profile của bạn.
Trong vòng 70 ký tự, bạn cần nghĩ ra một tiêu đề có thể truyền tải thông tin về dịch vụ mà bạn cung cấp, xác lập hình ảnh một chuyên gia, chứa đựng những từ khóa mục tiêu và nếu có thể cung cấp một “unique selling point” giúp bạn nổi bật hơn so với những profile khác.
Dưới đây là một số ví dụ:
- Igor Z: Sr. Software Developer and Architect (Upwork award: Best Developer)
- Pansee F: Whiteboard & Animated 2D 3D explainer videos, Expert 16 yrs experience
- Sagar M: Ex-Apple Engineer, Expert Mobile Application Developer, iOS, Android
Mỗi chuyên gia ở đây đều xếp hạng cao và có thu nhập tốt trên nền tảng Upwork.
Chức danh của Igor thể hiện rõ một chuyên gia có thâm niên, chứ không đơn thuần là một lập trình viên, kèm với các từ khóa chuyên ngành, cũng như nhắc đến giải thưởng đặc biệt của Upwork.
Chức danh của Pansee dùng các từ khóa chuyên ngành và xác định cô là một chuyên gia với hơn 16 năm kinh nghiệm làm việc.
Chức danh của Sagar hé lộ anh từng là kĩ sư ở Apple và là một chuyên gia trong ngành.
Hãy tận dụng tốt nhất 70 kí tự dành cho bạn.
5/ Lý lịch nên ngắn gọn, đơn giản và tập trung vào khách hàng
Phần mở đầu hồ sơ của bạn rất quý giá, vậy nên đừng huyên thuyên về bản thân. Hãy nói về những gì bạn có thể làm cho khách hàng của bạn.
Ví dụ:
“Tôi cung cấp dịch vụ thượng hạng cho khách hàng của mình. Phản hồi cực nhanh và luôn luôn sẵn sàng từ thứ 2 đến thứ 6, tôi cung cấp các sản phẩm chất lượng với thời gian hoàn thành nhanh chóng.
Tôi có 15 năm kinh nghiệm graphic design chuyên nghiệp và từng hợp tác với những khách hàng uy tín khắp cả nước bao gồm Centers for Disease Control Foundation, IBM Simpler và Kimberly Clark. Tôi nằm trong top 10% freelancer trên Upwork, vừa được đánh giá cao, vừa được chuyên gia xác nhận.”
Lưu ý rằng, đoạn đầu tiên tôi chỉ nói về những gì tôi có thể mang đến cho khách hàng của mình.
Con người luôn tự nhiên cho mình là trung tâm. Hãy thu hút khách hàng bằng những thông điệp về cách mà bạn làm thế nào cải thiện cuộc sống của họ. Chỉ cần vậy thôi.
Bio của tôi trên Upwork rất ngắn và hoàn toàn không cần phải click vào “Đọc thêm/Read more”. Hầu hết khách hàng không hứng thú đọc một bài luận 5000 chữ của mỗi ứng viên. Đặc biệt khi họ có rất nhiều ứng viên để chọn lựa. Theo tôi, những thông tin đằng sau cụm “Đọc thêm” sẽ chẳng bao giờ được ngó đến và chỉ gây mất thời gian.
6/ Xây dựng một portfolio đa dạng và nổi bật
Theo tôi, đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhận được việc.
Nếu bạn muốn hiểu được tâm lý của những khách hàng tiềm năng, hãy dùng thử Upwork để thuê thử các ứng viên.
Tôi từng một vài lần tìm kiếm ứng viên cho các dự án của mình. Tôi biết cảm giác choáng ngợp khi nhận đến 60 proposal từ ứng viên cho một công việc.
Tôi cũng biết khách hàng chọn lọc ứng viên nhanh như thế nào và một trong những tiêu chí tôi áp dụng là để phân loại ứng viên nhanh chóng là portfolio của họ.
Bạn có thể sốc khi biết nhiều ứng viên không có một portfolio tử tế hoặc thậm chí là hoàn toàn không có. Điều này đặc biệt sẽ gây trở ngại cho những công việc thiết kế.
Người viết có thể tận dụng phần này để thêm link bài viết mẫu. Lập trình viên có thể thêm case study và giới thiệu khách hàng. Các chuyên gia huấn luyện có thể tận dụng để làm nổi bật những khoảnh khắc trong khóa học hay hội thảo của mình.
Portfolio là cách nhanh và trực quan giúp khách hàng hình dung được công việc hiện tại của bạn và các dự án bạn đang làm.
Portfolio của tôi trình bày hơn 30 mẫu dự án khác nhau. Tôi tin rằng đây là một trong những lý do giúp tôi thắng được các khách hàng và dự án chất lượng.
7/ Yêu cầu khách hàng của bạn đánh giá và chứng thực
Để được đánh giá 5 sao thì nói dễ hơn làm – ít nhất là trong giai đoạn đầu tiên. Tôi luôn nói với các freelancer là điều khó nhất bạn từng làm trên Upwork là nhận được công việc đầu tiên.
Nhưng tất cả sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều sau khi bạn nhận được đánh giá 5 sao đầu tiên trên profile. Các khách hàng tiềm năng sẽ biết rằng bạn là chuyên gia thực sự.
Đánh giá tốt cũng sẽ giúp cải thiện tỷ lệ profile của bạn xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của khách hàng.
Để chốt được một hợp đồng thì khó khăn nhưng để có được đánh giá 5 sao từ khách hàng thì dễ hơn, với điều kiện bạn đã hoàn thành công việc tốt. Mỗi khi trao đổi với khách hàng, bạn chỉ cần nhờ họ viết nhận xét trên profile và giải thích vì sao việc này quan trọng với bạn.
Tôi thường nói với các khách hàng của mình rằng “Khi kết thúc hợp đồng, xin đừng quên để lại nhận xét thấu đáo trên profile của tôi. Các đánh giá của bạn có ý nghĩa quan trọng và sẽ giúp tôi có thêm công việc.”
Nếu bạn là người mới trên Upwork và chưa nhận được việc cũng không cần phải lo lắng. Upwork cũng cho phép khách hàng bên ngoài để lại lời chứng thực trên profile của bạn, điều này có nghĩa là bạn có thể đề nghị bất kỳ khách hàng nào sẵn sàng viết một lời giới thiệu công khai cho bạn để đảm bảo bạn là một ứng viên xứng đáng và tuyệt vời.
Mặc dù lời chứng thực không thể thay thế các đánh giá thực tế trên Upwork, nó có thể giúp bạn rút ngắn khoảng cách cho đến khi bạn được đánh giá thực sự trên Upwork.
Nếu có thắc mắc hay câu hỏi gì liên quan đến Upwork, đừng ngại ngần liên hệ với các freelancer khác qua Twitter, LinkedIn hoặc các nhóm Facebook. Bạn sẽ ngạc nhiên và thú vị vì sự nhiệt tình hỗ trợ của cộng đồng này.
Để tiếp tục thành công trên Upwork, bạn hãy theo dõi hướng dẫn viết Upwork proposal hiệu quả để có được khách hàng và công việc nha.
10 bình luận
cho e hỏi c phần profile mk mà ko có chức danh nổi bật thì sao ạ?
Việc thiếu chức danh nổi bật trên profile Upwork không phải là vấn đề, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách hàng.
Thay vì một chức danh ấn tượng, em có thể tập trung vào việc xây dựng một profile hoàn chỉnh và nổi bật với những điểm mạnh khác như:
– Kinh nghiệm: Nêu rõ kinh nghiệm làm việc liên quan, gồm các dự án tiêu biểu và thành tựu.
– Kỹ năng: Liệt kê các kỹ năng chuyên môn của bạn một cách rõ ràng và ngắn gọn.
– Portfolio: Trình bày portfolio ấn tượng với những mẫu công việc tốt nhất.
– Đánh giá: Khuyến khích khách hàng để lại đánh giá tích cực.
– Giới thiệu: Tìm kiếm lời giới thiệu từ các khách hàng cũ hoặc đồng nghiệp.
Ngoài ra, em có thể viết một tiêu đề ngắn gọn và súc tích để giới thiệu bản thân và lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ: “Thiết kế đồ họa chuyên nghiệp với 10 năm kinh nghiệm” hoặc “Lập trình viên web thành thạo Python và JavaScript”.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm để có một chức danh nổi bật, bạn nên ghi công việc bạn có thể thực hiện tốt hoặc tham khảo những ví dụ từ đồng nghiệp khác trên Upwork nhé.
vâng và e cũng chưa biết portfolio là gì nhưng có phải là cần phải làm việc trc thì mới làm được phần đấy phải ko ạ?
porfolio là hồ sơ năng lực á bạn, nơi mà bạn thể hiện rõ khả năng, năng lực của mình cho khách hàng biết á.
Cho em hỏi là upwork có hạn chế độ tuổi VD trên 18 mới được sử dụng không ạ?
Có tài khoản ngân hàng là đủ điều kiện em nhé.
Cho em hỏi mình nên điền bằng cấp ntn ạ
Em nên điền đầy đủ thông tin về bằng cấp vào profile Upwork, bao gồm:
– Tên trường đại học/cao đẳng đã theo học.
– Chuyên ngành theo học.
– Năm tốt nghiệp.
– Bằng cấp đã đạt được (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ,…).
Nếu em có bằng cấp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực làm freelancer, hãy nêu rõ thông tin này trong phần “Kinh nghiệm” hoặc “Kỹ năng”.
Ngoài ra, cũng có thể đính kèm bản scan bằng cấp vào profile để tăng thêm độ tin cậy.
Lưu ý:
– Nên đảm bảo thông tin em cung cấp trên profile Upwork là chính xác và trung thực.
– Nên cập nhật profile thường xuyên để phản ánh những kinh nghiệm và kỹ năng mới nhất của em.
Chúc em thành công trong việc xây dựng profile Upwork và thu hút khách hàng tiềm năng!