Home » Nghĩ » Liệu hộ chiếu vắc-xin có phải một ý tưởng hay?

Liệu hộ chiếu vắc-xin có phải một ý tưởng hay?

Nguồn: “Are vaccine passports a good idea?” The Economist, Tháng Ba 2021.

Hộ chiếu vắc-xin có thể tạo nên thay đổi lớn nhất trong du lịch quốc tế

Sau sáu tháng chỉ cho phép mua đem về, vào ngày 07/03, bia bọt đã được “xả láng” ở quầy pizza tại Bet Romano, Tel Aviv. Quán bar và nhà hàng trên lầu đều kín chỗ. Hầu hết khách hàng đều đem theo giấy chứng nhận họ đã tiêm đủ hai liều vắc-xin Pfizer/BioNTech nhưng chẳng ai kiểm tra. 

Ở những cơ sở kinh doanh gần đó, nhiều người đang xếp hàng chờ xác minh tình trạng tiêm chủng. Họ đem theo một số giấy tờ và điện thoại di động trong đó có xác nhận của các cơ quan y tế, chứng nhận miễn dịch của Bộ Y Tế và “hộ chiếu xanh”, một ứng dụng xác nhận tình trạng tiêm chủng do chính phủ phát triển, được minh họa bằng hình ảnh một gia đình đang rạng rỡ giữa một khung cảnh tươi xanh.

Chương trình tiêm chủng Covid-19 của Israel đang bỏ xa cả thế giới. Hơn một nửa số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều và 90% những người trên 50 tuổi đã hoàn thành hai mũi tiêm. Bất cứ ai từ 16 tuổi trở lên đều đủ điều kiện để được tiêm phòng Covid-19. Thay vì chờ đợi miễn dịch cộng đồng đủ mạnh để chặn đứng sự lây lan của vi-rút, từ ngày 21/02, chính phủ đã cho phép những người tiêm chủng đến các phòng tập gym, phòng hòa nhạc, sân khấu kịch và các địa điểm trong nhà khác.

Cuộc thực nghiệm đang được theo dõi trên toàn thế giới. Sự trì trệ của nền kinh tế và những công dân hết kiên nhẫn đã thúc đẩy các chính phủ nảy ra ý tưởng “hộ chiếu vắc-xin” như một cách để giải phóng công dân khỏi tình trạng phong tỏa. Tháng Một, tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu chính phủ của ông đánh giá tính khả thi của ý tưởng này. Ngày 08/03, lần đầu tiên, Hoa Kỳ đưa ra bộ quy tắc giao tiếp xã hội dành cho những người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Ngày 17/03, Liên minh Châu Âu cũng đề xuất thực hiện “hộ chiếu xanh số” cho toàn khối. Anh cũng cân nhắc một kế hoạch “hộ chiếu vắc-xin” tương tự.Theo đó, hộ chiếu không những cần liệt kê tình trạng tiêm chủng, mà còn các kết quả xét nghiệm, xác nhận đã hoàn thành cách ly bắt buộc, hoặc cho phép miễn tiêm chủng vì những lý do sức khỏe.

Những hạn chế đi lại có liên quan đến vắc-xin thực ra không phải điều gì mới mẻ. Du khách muốn đến những nơi mà bệnh sốt vàng da hoành hành, phải chứng minh đã tiêm ngừa bệnh này bằng “thẻ vàng”. Những người di cư đến Hoa Kỳ bắt buộc tiêm chủng 15 bệnh truyền nhiễm trong danh sách của Cơ quan Sức khỏe quốc gia trước khi họ có thể trở thành thường trú nhân. Quy định tiêm chủng cũng tương tự như vậy đối với trẻ em ở 50 bang, trước khi các em bắt đầu đi học ở các trường công (mặc dù cũng có những trường hợp được miễn tiêm chủng do suy giảm miễn dịch và các vấn đề tôn giáo). Nhiều nơi, những quy định này cũng được áp dụng cho các nhân viên y tế và binh lính. 

Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, không phải ai cũng sốt sắng như vậy. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng chương trình tiêm chủng của nhiều nước đang triển khai rất nhanh nên hộ chiếu vắc-xin chỉ hữu ích trong thời gian ngắn. Những người hoạt động dân chủ và các nhà nghiên cứu bảo mật lo ngại chính phủ có thể sử dụng dữ liệu sai mục đích, và thao túng đời sống của người dân. Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho rằng còn quá sớm để kết luận ý tưởng này có tốt về mặt y tế hay không. Vắc-xin bảo vệ hiệu quả trước SARS-CoV-2, loại vi-rút gây ra Covid-19. Tuy nhiên khả năng vắc-xin cắt được chuỗi lây nhiễm thì chưa có gì chắc chắn. Bất kỳ chính sách nào đưa ra cũng phải vật lộn với những câu hỏi liên quan đến tính công bằng và sự ép buộc; giải pháp tiếp cận riêng lẻ với nguy cơ hay giải pháp cộng đồng; những đánh đổi khi lựa chọn giữa nguy cơ lây nhiễm và hoạt động kinh tế; và cả câu hỏi lệnh phong tỏa tác động đến tâm lý người dân ra sao. 

Xét về mặt an ninh, để hộ chiếu vắc-xin hiệu quả, trước hết nó phải đáng tin cậy. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều lỗi khi kiểm tra ứng dụng của Israel. Những lỗ hổng của phiên bản đầu tiên cho phép những kẻ lừa đảo bán chứng nhận giả mạo trên mạng. Ở phiên bản mới nhất, bức hình động dùng để cải thiện mức độ bảo mật, nhưng nó vẫn có thể bị sao chép. “Dù được xem là một nước xuất khẩu công nghệ cao, nhưng họ không đem tiêu chuẩn đó vào các sự vụ nội địa.” Ran Bar-Zik, một cố vấn an ninh mạng cho hay. Việc chấp hành luật cũng vậy. Ở Tel Aviv, rất ít tụ điểm thực hiện kiểm tra giấy tờ. Một chủ quán bar cho biết “Nếu cử một người trước cửa để  thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra cho từng khách hàng, tôi sẽ chẳng kiếm được khách nào.”

Vui lòng xuất trình giấy tờ

Các chính phủ tọc mạch là một rủi ro khác. Năm ngoái, Singapore cam đoan dữ liệu thu thập từ ứng dụng truy vết sẽ không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác. Tuy nhiên vào tháng Một, họ tiết lộ rằng, cảnh sát đã được cấp quyền truy cập dữ liệu này để phòng chống tội phạm. Chừng đó là đủ để gây phẫn nộ với người dân Singapore vốn rất tuân thủ luật pháp. Vivian Balakrishnan, một bộ trưởng Singapore nhận “toàn bộ trách nhiệm” cho cái mà ông ta gọi là một “sự sai sót”. 

Ở Trung Quốc, những “ứng dụng sức khỏe bắt buộc” sử dụng dữ liệu vị trí từ điện thoại để tạo ra những mã QR nhằm xác định một người có được tự do bước vào các địa điểm trong nhà và đi du lịch không bị giới hạn hay không. Dữ liệu theo dõi cũng được chia sẻ với cảnh sát. Các thuật toán tính toán nguy cơ hoạt động bí ẩn bên trong hộp đen, và thường gặp trục trặc. Ngay cả sau khi trải qua một giai đoạn cách ly bắt buộc, những ứng dụng này vẫn không cập nhật đúng tình trạng thực tế sau nhiều ngày. Và có vẻ nó sẽ như vậy mãi.

Sự kém cỏi và sự rình mò có thể hủy hoại hoàn toàn ý tưởng hộ chiếu vắc-xin và làm lợi cho những kẻ ủng hộ thuyết âm mưu Covid. Tuy vậy, những lo ngại về bảo mật không khó vượt qua. David Chadwick, cựu giáo sư khoa học máy tính  thuộc đại học Kent, nước Anh, hiện là chủ một công ty con gọi là Verifiable Credentials. Trước đại dịch Covid-19, công ty ông chuyên thực hiện các giải pháp bảo mật cho thẻ nhân viên, thẻ đậu xe, vé hoà nhạc… “Tôi chưa từng nghĩ đến những ứng dụng sức khỏe”, ông cho biết. Hiện giờ, Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ông. 

Ý tưởng đưa ra là đảm bảo không có sự liên kết giữa dữ liệu của người tiêm chủng với bên yêu cầu dữ liệu. Mỗi cá nhân liên kết với smartphone của họ bằng phương pháp sinh trắc học và một vài giấy tờ nhận dạng của chính phủ, quy trình này an toàn và tương tự như khi đăng ký dịch vụ ngân hàng số. Khi người sử dụng yêu cầu được bước vào một địa điểm “an toàn với Covid”, họ sẽ nhận được những quy định vào cửa gửi trực tiếp đến điện thoại. Ứng dụng này sẽ đối chiếu dữ liệu của người dùng với các quy định nhận được, sau đó nó chỉ trả ra kết quả đơn giản “Có” hay “Không”. Tên, tuổi, địa chỉ, ngày tiêm chủng và những thông tin tương tự của người dùng sẽ không được tiết lộ, nhằm hạn chế sự xâm phạm nếu có. 

Tháng tư năm 2020, Verified Credentials chứng minh rằng bản mẫu của họ có thể kiểm chứng tình trạng vắc-xin và kết quả test covid ngay khi những thứ này diễn ra. Ứng dụng của họ đã được kiểm tra bằng dữ liệu chạy thử tại một nhà hát nơi các nghệ sĩ đang diễn tập và trên dữ liệu thật tại một bệnh viện ở Anh – nó cũng thay thế quy trình giấy tờ tại đó. Hãng này cũng đang phát triển một phiên bản vật lý dành cho những người không sử dụng điện thoại thông minh.

Kể cả khi những e ngại về bảo mật lắng xuống, các cơ quan y tế công cộng vẫn băn khoăn về tính công bằng chủ quan một khi hộ chiếu vắc-xin có hiệu lực. Hầu hết các quốc gia đều ưu tiên người lớn tuổi trong chương trình tiêm chủng vì họ là đối tượng dễ tử vong do Covid gây ra. Từ đó cho thấy viễn cảnh, với hộ chiếu vắc-xin, những người về hưu đã tiêm phòng sẽ được tự do đi lại, trong khi đó, những người trẻ vốn đã bị hạn chế trước đây để bảo vệ những người lớn tuổi, sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng phong tỏa. 

Ở một số quốc gia, những quan ngại này có thể tăng cao do yếu tố chủng tộc. Người Mỹ da đen hoài nghi tác dụng của vắc-xin nhiều hơn người da trắng, và nếu họ muốn được tiêm cũng khó tiếp cận vắc-xin hơn. Trung bình, họ cũng trẻ  hơn những đồng hương da trắng, nghĩa là họ phải xếp sau trong chương trình tiêm chủng. Khi vắc-xin được triển khai nhanh chóng và miễn phí, đồng thời thứ tự ưu tiên cũng được thiết lập một cách công bằng và minh bạch thì những câu hỏi liên quan đến tính công bằng sẽ nhạt dần. Tuy nhiên, ở những quốc gia mà các chính trị gia hay chen hàng hay phải cần nhiều năm mới đạt miễn dịch cộng đồng thì chúng sẽ gây ra ít nhiều bất bình.  

Và rồi những người không thể hoặc không tiêm chủng sẽ như thế nào. Chính phủ chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực để phê duyệt miễn trừ, đặc biệt là những trường hợp chống chỉ định y khoa. Tuy nhiên, cứ một người chưa tiêm phòng được phép tiếp cận một khu vực an toàn Covid-19 sẽ khiến nơi này thêm nguy cơ. Một lo lắng khác, người chưa tiêm phòng cũng sẽ ít cơ hội tìm được việc hơn. Một bản khảo sát toàn cầu do công ty tuyển dụng Manpower công bố vào ngày 9/3 cho thấy, ⅕ chủ doanh nghiệp lên kế hoạch yêu cầu tiêm chủng đối với một số vị trí và 14% vẫn chưa quyết định. Vấn đề này có thể sẽ không đáng lo khi đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng khả năng một số người vẫn quan ngại, đặc biệt là khách hàng. Điều này khiến cho việc tiêm vắc-xin gần như bắt buộc. 

Sự chỉ trích chủ yếu nhất vẫn là liệu hộ chiếu vắc-xin có thực sự hiệu quả như người ta nghĩ hay không. Ngày 5/2, một báo cáo của WHO đã cho rằng những người đã tiêm vắc-xin không nên được miễn các quy tắc cách ly và kiểm dịch. Còn “quá sớm” để những người sở hữu hộ chiếu vắc-xin được qua lại biên giới (mặc dù vậy, việc này sẽ sớm diễn ra nên WHO vẫn đang cố gắng đưa ra những gợi ý làm thế nào là tốt nhất). Ngày 17/2, viện Ada Lovela, một tổ chức nghiên cứu đang theo dõi các đề xuất hộ chiếu vắc-xin trên toàn cầu đã kết luận rằng, chúng hiện “chưa hợp lệ”. 

Một trong số lý do là, mặc dù các vắc-xin hiện khá hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có thể hoàn toàn ngăn ngừa việc lây nhiễm vi-rút hay loại bỏ khả năng truyền nhiễm cho người khác hay không. (Một bài báo xuất bản vào tháng 6 năm 2020, trước khi có bất kỳ loại vắc-xin nào, ước tính rằng có hơn một phần ba số người bị nhiễm Covid-19 không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác). Có một vài dấu hiệu đáng mừng. Một bản thảo bị rò rỉ của một bài báo do Pfizer và Bộ Y tế Israel tổng hợp cho thấy rằng việc tiêm cả hai liều vắc xin Pfizer / BioNTech sẽ giảm gần 90% các trường hợp không có triệu chứng của Covid-19. Một bài báo khác, được xuất bản bởi các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Cambridge NHS Foundation Trust, nhưng chưa được thẩm định, đã quan sát các nhân viên y tế không có triệu chứng tại một bệnh viện ở Anh. Kết quả cho thấy rằng một liều vắc-xin Pfizer / BioNTech giúp giảm 75% các trường hợp không có triệu chứng sau 12 ngày. Nhưng bằng chứng vẫn chưa đủ mạnh để thuyết phục các quan chức y tế cộng đồng thận trọng.

Một lý do khác là các đột biến SARS-CoV-2 khiến cho bất kỳ kết luận nào được đưa ra hôm nay đều có thể thay đổi trong tương lai. Các nhà khoa học hy vọng rằng các vắc xin hiện có có thể đối phó với các biến thể của vi rút đã xuất hiện tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, một biến thể mới khiến vắc-xin kém hiệu quả hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vắc-xin mới gần như chắc chắn sẽ được phát triển nhanh chóng. Nhưng cho đến khi chúng được triển khai – một công việc rõ ràng lớn hơn nhiều – hệ thống hộ chiếu vắc xin sẽ vô dụng.

Điểm cuối cùng là tính hữu ích của hệ thống hộ chiếu vắc-xin lại tỷ lệ nghịch với tốc độ tiêm chủng của một quốc gia. Giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng, một vài người sẽ được hưởng lợi từ hộ chiếu vắc-xin. Càng về sau, hộ chiếu vắc xin sẽ không còn hữu ích nhiều. Ở các quốc gia như Israel, nơi việc tiêm chủng đang được tiến hành nhanh chóng, khoảng thời gian mà hộ chiếu vắc xin tỏ ra hữu ích có thể khá ngắn. Ở những quốc gia mà việc triển khai vắc-xin chậm hơn, khả năng cần phải sử dụng hộ chiếu vắc xin để cầm cự lâu dài (xem bản đồ dưới đây).

Phần trăm dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine của các nước trên toàn thế giới

Tuy nhiên, vì tỷ lệ tiêm chủng khác nhau đáng kể ở các quốc gia, hộ chiếu vắc xin vẫn có thể được áp dụng để du lịch quốc tế. Ngay cả khi Mỹ, Anh, Israel và một số quốc gia khác đang chạy nước rút để đạt miễn dịch cộng đồng, thì chỉ mới khoảng 7% công dân EU có được mũi tiêm đầu tiên. Ở một số nước nghèo, việc tiêm chủng có thể sẽ tiếp tục cho đến năm 2023 hoặc 2024. Nếu không tìm ra cách để giảm thủ tục ở sân bay cho những người đã tiêm chủng, thế giới sẽ vẫn bị phong tỏa ngay cả khi một số quốc gia không như vậy.

Nick Careen thuộc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết, nhiều quốc gia đã sẵn sàng đưa hộ chiếu vắc-xin vào thủ tục nhập cảnh của họ. Mọi người đang khao khát được gặp gia đình, bạn bè ở nước ngoài và được đi du lịch. Trong khối EU, Hy Lạp là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho hộ chiếu vắc xin toàn khối. Trước đại dịch, du lịch chiếm đến 1/5 GDP ở Hy Lạp. Các chủ khách sạn và nhà hàng đang hy vọng rằng mùa hè nơi đây sẽ được giải cứu nhờ vào lượng khách du lịch đã tiêm chủng. 

Một số quốc gia đã vội vã lập nên những hệ thống nhằm cho phép ít nhất một phần của du lịch được tiếp tục. Quy định này đòi hỏi phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi khởi hành và cách ly khi đến nơi. Tuy nhiên, những điều này chỉ có ý nghĩa ở mức tối thiểu. Cách ly làm chùn bước tất cả mọi người, trừ những kẻ quá khao khát du lịch (hoặc không bị vướng bận gì cả). Họ rất khó quản lý. Sau khi Anh thắt chặt các quy định vào tháng Giêng, hành khách khi đáp ở sân bay lớn nhất của Heathrow, phải mất nhiều giờ để vượt qua cảnh xếp hàng chờ đợi mà không đảm bảo giữ khoảng cách xã hội. Ông Careen nói, nếu hộ chiếu vắc-xin thiếu các quy trình xác minh đúng tiêu chuẩn, thì kết quả có thể là “một mớ hỗn loạn”.

Phát hành nhanh chóng

IATA hy vọng dự án Travel Pass của họ sẽ được cứu vớt. Dự án Travel Pass vốn được phát triển trước đại dịch nhằm mục đích đẩy nhanh thủ tục quá cảnh sân bay bằng cách sử dụng thông tin sinh trắc học và định danh số an toàn trên điện thoại của hành khách. Nó hoạt động dựa trên Timatic, cơ sở dữ liệu của IATA về thị thực và quy định nhập cảnh, đã được các đại lý du lịch, hãng hàng không và sân bay sử dụng. Vào một ngày bình thường trước Covid-19, cơ sở dữ liệu này chỉ cần cập nhật một vài lần. Vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, khi các chính phủ cố gắng ngăn khách du lịch đến những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao và các biến thể mới xuất hiện, con số này đã tăng vọt lên hơn 200 lần. 

Hộ chiếu vắc-xin là một tấm vé đến tự do

Travel Pass đang được thử nghiệm dưới dạng ứng dụng độc lập, hay một đoạn mã mà các hãng hàng không có thể sử dụng trong ứng dụng của riêng họ. Một số hãng hàng không, bao gồm Emirates, Etihad Airways và Gulf Air, đã đăng ký để thử nghiệm Travel Pass. Ông Careen cho biết các mảng khác của du lịch như du thuyền và dịch vụ lưu trú cũng có thể sử dụng tính năng này. Ông cũng hy vọng rằng khía cạnh tích cực duy nhất của đại dịch có thể là thúc đẩy sự ra đời của du lịch liền mạch, miễn giấy tờ. Ở giai đoạn bình thường, ông nói, điều này đòi hỏi một loạt các thử nghiệm và kiểm tra bởi nhiều chính phủ khác nhau. Tuy nhiên, đại dịch đã nhanh chóng thuyết phục được các quốc gia về tính hiệu quả của những tiêu chuẩn phối hợp, “thực tế chỉ mất một đêm”. 

Mặc dù vậy, để hộ chiếu du lịch hoạt động trên phạm vi quốc tế sẽ khó hơn nhiều so với hoạt động ở khuôn khổ trong nước. IATA nói rằng các phòng xét nghiệm và các cơ quan y tế sẽ phải được chứng nhận, giống như các đại lý du lịch hiện nay. Việc tiêm chủng sẽ mất nhiều thời gian nhất ở các nước nghèo, đồng thời ở đây các chứng nhận tương tự cũng sẽ khó khăn nhất. Bỏ tiền để gian lận sẽ cao. Europol, cơ quan cảnh sát EU, cho biết các xét nghiệm Covid-19 giả đã bắt đầu xuất hiện ở biên giới.

Thêm nữa, một số sự đánh đổi có thể nhìn thấy bên trong các quốc gia càng trở nên rõ ràng hơn khi buộc phải cân nhắc thiệt hơn giữa chúng. Một trong số đó là lựa chọn giữa giảm tỷ lệ lây nhiễm và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế. Du khách Anh đã được tiêm phòng khi đến thăm các bãi biển Hy Lạp sẽ yêu cầu người dân địa phương phục vụ món rượu restina tuyệt hảo của họ. Những nhân sự ngành dịch vụ và lưu trú đã bị thôi việc tạm thời không được tiêm phòng sẽ lây nhiễm lẫn nhau, nếu không phải là từ du khách. 

Các quốc gia nghèo nhất trên thế giới sẽ phải đứng giữa hai lựa chọn, hoặc là nguồn thu từ du lịch và sự hòa nhập xã hội, hoặc là tỷ lệ lây nhiễm, ốm đau và tử vong cao hơn – không chỉ trong năm nay mà còn trong vài năm tới. Elliot Jones thuộc Viện Ada Lovelace cho biết: “Nếu chính phủ lựa chọn dựa vào du lịch, họ cần phải thực sự trung thực với người dân của mình về những rủi ro sức khỏe kèm theo. “Cần làm rõ những kịch bản đánh đổi này và thăm dò người dân họ hài lòng với lựa chọn nào”.

Edgar Whitley, một nhà nghiên cứu về quyền riêng tư và nhận dạng số tại Trường Kinh tế London, đồng ý với điều này. Ông nói, khi nảy sinh những vấn đề lớn liên quan đến chính sách mới, các chính phủ thường nghiêng về những giải pháp kỹ thuật hứa hẹn sẽ đưa mọi thứ nhanh chóng trở lại tình trạng ban đầu. Ông cho rằng các chính phủ nên tránh sự “ngây thơ công nghệ” như vậy và tập trung vào việc truyền thông rõ ràng về các rủi ro, cùng các biện pháp cho phép mở cửa dần dần khi số lượng ca nhiễm giảm. 

Dường như ẩn số lớn nhất của hộ chiếu vắc xin là tác động tâm lý của nó. Trong năm qua, chỉ vài người ra khỏi biên giới và một số khác gần như không rời khỏi nhà. Nhiều người có thể trở nên ngại mạo hiểm hơn. Liệu một kế hoạch giải phóng những người đã tiêm chủng và để họ hòa nhập với nhau có thực sự đem lại yên tâm cho người dân, mặc dù chỉ tạm thời, trên lộ trình đạt miễn dịch cộng đồng không? Hay nó sẽ làm chậm sự trở lại bình thường do nảy sinh e ngại về mối đe dọa bị lây nhiễm từ chính đồng hương của mình? 

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.