Home » Instagram » Hướng Dẫn Cơ Bản Về Phân Tích Instagram Analytics

Hướng Dẫn Cơ Bản Về Phân Tích Instagram Analytics

Instagram Analytics sẽ giúp bạn hiểu thêm về nhân khẩu học của khách hàng, tối ưu hình ảnh và nội dung, đánh giá hiệu quả tổng thể… bên cạnh đó các thông số cũng làm cho công việc phân tích chẳng dễ dàng gì, vì tính đa dạng phức tạp của các chỉ số, cũng như mối liên hệ giữa chúng.

Trong bài viết này, Lẩu sẽ giới thiệu về Instagram Analytics và ý nghĩa của từng chỉ số, và cách để sử dụng các thông số này nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của tài khoản Instagram.

Tầm Quan Trọng Của Thống Kê Instagram Analytics

Trong ứng dụng Instagram, phần thống kê được gọi là Insights, thuật ngữ quen thuộc với người làm marketing. Marketer nào cũng sẽ đụng tới khái niệm này, dịch thô là ‘sự thật ngầm hiểu’, đây không đơn giản là những sự thật hiển hiện mà có thể là những bí mật, câu chuyện được đúc kết từ những con số thống kê. Những chỉ số này có thể giúp mỗi người tự rút ra một câu chuyện, một kết luận nào đó nhằm cải thiện tình hình hoạt động. Có thể vận dụng Insights để tối ưu và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến nội dung, marketing, kinh doanh.

Instagram Analytics không chỉ giúp bạn biết được ảnh, video hay câu chuyện nào được nhiều người ưa thích nhất, mà còn kiểm soát được chất lượng của nội dung theo thời gian cũng như đánh giá được hiệu quả của chiến lược nội dung.

thống kê Instagram

Nếu như bạn phụ trách Instagram cho một cửa hàng online, dựa vào Instagram Analytics bạn có thể biết được sản phẩm nào được ưa chuộng trong hàng loạt sản phẩm đã đăng. Bạn cũng sẽ thử các phong cách chụp ảnh khác nhau như có người mẫu, không người mẫu, flatlay, nền tối, ảnh ngoại cảnh, studio… Với các dữ liệu về tương tác như like, comment, click vào sản phẩm,… bạn sẽ biết được ảnh chụp nào được yêu thích, để điều chỉnh và tăng cường việc sản xuất nội dung đạt hiệu quả.

Dù là ngành nào, nghiên cứu và phân tích Instagram Analytics sẽ giúp hiểu được nhu cầu của khách hàng, cải thiện nội dung và tăng tương tác cũng như lượt view tài khoản Instagram, gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Hiểu Rõ Về Khách Hàng Thông Qua Instagram Analytics

Trước khi nghiên cứu các loại nội dung ưa thích của fan, bạn cần nắm rõ các thông tin cơ bản về đối tượng mục tiêu, tìm hiểu các thông tin về độ tuổi, giới tính cũng như nơi sinh sống của người dùng. Instagram Analytics cung cấp đầy đủ những thông tin để có thể hình dung sơ lược về lượng người dùng mục tiêu.

hình ảnh cơ bản của Instagram Insights
Giao diện của Instagram Insights

Giới Tính Và Độ Tuổi

Ứng dụng Instagram cho biết những thông tin cơ bản về người theo dõi bạn ngay trong tab Followers với các thông số về Giới tính, Độ tuổi, Vị trí, và Thời điểm hoạt động trong tuần và trong ngày.

Nắm được giới tính và độ tuổi, bạn có thể mạnh dạn thử các dạng nội dung, hình ảnh theo độ tuổi. Ví dụ, với người trẻ tuổi, bạn có thể tăng lượng bài đăng trong ngày vì giới trẻ có tuần suất sử dụng smartphone cao hơn, hoặc thử đăng những hình ảnh meme hoặc các nội dung giới trẻ quan tâm, thay vì chỉ những bài thông tin thông thường.

Các Địa Điểm Thường Xuyên – Top Locations

Biết được vị trí của follower, bạn có thể post nội dung theo địa phương, vùng miền để được sự hưởng ứng của người trong vùng, ngoài ra nếu số người dùng không tập trung mà trải đều trên các vùng địa lý (ví dụ nhiều nước trên thế giới, những nơi không dùng tiếng Anh) bạn có thể tăng cường đăng hình ảnh, và dùng câu chữ ngắn gọn… Cũng dựa vào vị trí địa lý, bạn có thể xác định thời gian đăng bài hiệu quả theo vùng cũng như thời điểm đăng ảnh Instagram tốt nhất trong ngày.

Ngày – Giờ

Biết địa điểm, Instagram còn nắm được thời gian online của người dùng. Từ đó, bạn sẽ tìm được thời gian tương tác thường xuyên nhất của fan với nội dung bạn đăng, số bài đăng tối ưu trong ngày cũng như giờ đăng ảnh Instagram được nhiều like nhất. Ngoài ra, bạn có thể quyết định nên đăng những thông tin quan trọng vào thời điểm nào trong tuần để có nhiều người biết và tương tác. Ví dụ: các tin khuyến mãi không nên đăng vào ngày thứ Hai, mà nên để dành vào cuối tuần khi mọi người có thời gian online, check thông tin và rảnh rang nhiều hơn.

Impressions, Reach, Engagement… Trong Instagram Analytics

Đầu tiên là những định nghĩa cơ bản của Impressions, Reach, Engagement

Impressions (Lượt Xem)

Impression là số lần mà hình ảnh, video hoặc story được người dùng nhìn thấy. Bao gồm số lần người dùng lướt qua hình ảnh đó trên feed, nhấn vào profile để xem ảnh hoặc là xem nội dung trên Instagram Direct.

Reach (Độ Phủ)

Gần như impression, reach cho biết tổng số người xem nội dung. Số người xem (reach) sẽ ít hơn số lượt xem (impression). Trong Instagram những số liệu này tương đối giống nhau vì cơ chế hiển thị của Insta bạn sẽ ít thấy một post hai lần.

Engagement (Tương tác)

Tổng số tương tác bao gồm like, comment hay lưu hình ảnh, video. Lưu ý là những tương tác này không tính số lượng comment từ cùng một người dùng, thường xảy ra trong các chương trình giveaway mà mấy bạn này thường cố comment nhiều để tăng cơ hội trúng (gió).

Engagement Rate (Tỉ lệ tương tác)

Tỉ lệ tương tác là phần trăm số lượng follower tương tác với bài đăng của bạn. Thông thường nếu bạn muốn tính tỉ lệ tương tác trung bình của Instagram, bạn có thể chia số lượng like và comment theo tổng lượt follow, như vậy sẽ có được tỉ lệ phần trăm.

Follower Growth – Tăng trưởng lượng theo dõi, follow

Mục insight còn cho bạn biết bạn có thêm bao nhiêu người theo dõi mới trong tuần, nhưng không cung cấp thêm thông tin về lượt follow theo thời gian khác. Có được thông tin này bạn có thể theo hiểu rõ việc tăng trưởng và các chiến lược của mình có phù hợp không.

Để có thể theo dõi thường xuyên con số này, ngoài việc sử dụng con số thủ công bằng spreadsheet bạn có thể sử dụng các dịch vụ bên thứ ba cho Instagram như Later, Iconosquare, …

Video, photos, Instagram stories

Thông thường, các thông số về hình ảnh và video được phân tích và tính toán gần như nhau, bạn sẽ thấy được lượt engagement view… làm mọi người có xu hướng đánh giá chúng như cùng một loại đối tượng. Nhưng hãy nhớ rằng trải nghiệm của người dùng sẽ khác nhau đối với mỗi loại nội dung và việc tiếp cận phân tích cũng như vậy.

Hình Ảnh Và Video

Dù cho ảnh và video đều xuất hiện trên feed của mỗi cá nhân, cách tương tác với nội dung sẽ rất khác nhau, và điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của nội dung. Thử tưởng tượng – khi bạn đang lướt feed, bạn thấy một tấm ảnh và có thể biết ngay được là mình có thích nó hay không, não sẽ nhanh chóng ra lệnh để double-tap hay like ảnh đó. Đối với video, đầu tiên bạn sẽ cần một lúc (nhanh thôi) để video bắt đầu chạy và xem một phần video để xem bạn có hứng thú với nó không. Tới lúc này, nhiều khi bạn đã quên mất việc like video đó và tiếp tục xem nội dung khác. Khác biệt trong cách trải nghiệm 2 loại nội dung này dẫn đến hệ quả là video thường có ít like hơn ảnh.

Vậy hiệu quả của nội dung video không phụ thuộc vào lượt like, hãy chú ý đến lượt xem (views) của nó. Mỗi một mạng xã hội lại xây dựng cơ cấu tính lượt view khác nhau, bạn có thể tham khảo bảng tính minh họa các cách tính lượt view của các mạng xã hội bên dưới.

Công thức tính lượt view trên các mạng xã hội

Riêng trong Instagram thì một lượt xem được tính sau 3 giây, dù đó là đoạn video dài 30s hay là ảnh gif, hoặc video hyperlapse.

Instagram Stories

So với video và photo, Stories liên quan đến nhiều tương tác và hành động của users hơn. Người dùng cần phải nhấn vào Story ở trên đầu của feed để xem, chuyển qua lại các màn hình của stories, hoặc là vuốt xuống để thoát. Vậy bên cạnh impressions và reach, bạn còn cần phải chú ý đến lượt thoát hoặc là phản hồi trên story của business.

Lượt thoát (Exits)

Exit là số lần người xem thoát khỏi Story. Số này không mang ý nghĩa gì xấu, nó cũng có nghĩa là Story đã kết thúc và người dùng chuyển sang một Story khác trên feed của họ hoặc là nếu bạn có để link thì họ đã vào link đó để xem. Chỉ số này sẽ giúp bạn cải thiện và giữ người dùng xem story cho đến phần kết thúc.

Phản hồi (Replies)

Tương tự ảnh và video, phản hồi là số lượt mà người dùng trả lời trong Story của bạn. Nhưng không giống như comment, những phản hồi này chỉ xuất hiện trong inbox và không công khai.

Lựa chọn KPI phù hợp cho chiến lược Instagram của bạn

Bạn đã có cái nhìn tổng quan về các thông số khác nhau của Instagram Analytics và những công cụ thống kê Instagram cơ bản, hãy xác định sự thành bại của chiến lược thông qua các KPI xem sao. KPI (Key Performance Index) là các chỉ số được lựa chọn để có thể đo lường sự thành công của nội dung hay là chiến dịch của bạn. Việc bạn xác định KPI như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích kinh doanh và bạn cần đạt được gì với các hoạt động Instagram.

Nếu như kinh doanh phụ thuộc vào cộng đồng, bạn cần chú trọng và tương tác và đây sẽ là KPI chính cho các nội dung của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn boost 1 bài post, thì KPI cần phải được điều chỉnh thành độ reach và tác động của nó lên cộng đồng trên Instagram của mình. Hoặc, bạn đang chạy chương trình tặng quà yêu cầu phải comment để được tham gia, vậy phải cần tập trung KPI về lượng comment. Dù KPI là gì, hãy tập trung vào một vài chỉ số nhất định dành cho các nội dung hữu ích lâu dài và chọn các chỉ số khác phụ thuộc vào từng chiến dịch. Và tất cả đều phải phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

Bạn tiếp cận với Instagram Analytics cách nào thì điều quan trọng nhất cần lưu ý là các dữ liệu chỉ mang tính định hướng, nó sẽ thay đổi và không bao giờ là cố định mà luôn biến động. Đừng để các chỉ số gò bó sự sáng tạo của bạn, hãy dùng chúng để khẳng định những gì trực giác mách bảo cũng như là định hướng cho bước tiếp theo. Hãy luôn thử nghiệm với các KPI khác nhau, đừng bao giờ hài lòng với chỉ một chiến lược nội dung. Hãy luôn sáng tạo, bạn chắc sẽ khám phá được nhiều điều ngạc nhiên lý thú.


Bài viết lược dịch và viết lại theo Later.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.