Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều, là người đã hướng dẫn tôi cách ra lệnh cho AI. Khi tôi nói điều này, hầu như ai cũng hoài nghi. Và mọi người đều muốn biết, cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa một thi nhân thế kỉ 18 với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI ở thế kỷ 21 thực sự đã diễn ra như thế nào?
Nội dung
Mùa hè 2022 là thời điểm bùng nổ trào lưu sáng tạo hình ảnh với trí tuệ nhân tạo (AI Art generation). Ban đầu, sự hiếu kỳ, thích nghiên cứu và những điều kinh ngạc mà AI đã và đang làm được khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về AI Art. Khoan nói đến kết quả của AI có xuất sắc hay không, chỉ riêng việc AI hiểu yêu cầu và trả ra kết quả gần hay đôi lúc vượt mong đợi đã làm tôi thực sự kinh ngạc.
Làm thế nào để vẽ tranh với trí tuệ nhân tạo (AI)?
Như một đứa trẻ, tôi quan sát những người khác làm trên Discord, Facebook và bắt chước theo. Sau một loạt các thử nghiệm bao gồm cả việc sao chép những đoạn prompt có sẵn để coi khả năng của AI, tôi nghĩ mình nên thử nghiệm một cái gì đó gần gũi với văn hóa Việt Nam.
Rất nhanh, tôi nghĩ đến Truyện Kiều.
Bản thân việc viết prompt và chờ đợi AI trả kết quả đã là một quá trình thú vị, nhưng với Truyện Kiều thì đó còn là một trải nghiệm mang lại hứng thú hơn nhiều lần. Phàm là người Việt Nam ai cũng từng được nghe, được đọc hay được học Truyện Kiều và cũng nhớ nằm lòng các câu thơ mô tả các nhân vật trong truyện, như chị em Thúy Kiều, Thúy Vân hay Từ Hải. Và có lẽ mỗi người lại có một hình dung khác nhau về nhân dạng của họ. Vậy AI thì sao? Nếu AI có thể vẽ các nhân vật Truyện Kiều theo các mô tả mang tính ước lệ của đại thi hào Nguyễn Du thì còn gì bằng.
Trước hết, tôi tìm một bản dịch tiếng Anh của truyện Kiều, tất nhiên là ở trên mạng rồi. Và tôi bê nguyên đoạn dịch tiếng Anh mô tả nhân vật vào ô prompt thôi. Lúc này, tôi cũng chưa hiểu rõ cách thức hoạt động của prompt nên cứ bỏ nguyên đoạn thơ tiếng Anh vào và hồi hộp ngồi chờ xem AI “đẻ” ra gì.
Đầu tiên, tôi thử nghiệm với đoạn thơ mô tả chị em Thúy Kiều. Bất ngờ chưa, ngay khi vừa có kết quả ban đầu, một user trong kênh chat newbie đã hỏi “Có phải vẽ chị em Thúy Kiều – Vân không?”. Và như vậy là tôi biết mình “trúng mánh” rồi.
Cảm ơn ông Nguyễn Du! Làm tới thôi.
Đời không như là mơ – Prompt không phải là thơ
Sau đó, tôi tiếp tục sử dụng bản dịch tiếng Anh của các trích đoạn Truyện Kiều làm prompt. Lúc này, tôi nhận ra rằng chúng thật sự “sơ khai”, theo kiểu mô tả nhân vật cho con người đọc chứ hoàn toàn chưa tuân theo cấu trúc prompt để ra lệnh cho AI (trong ebook “AI Art 101” tôi sẽ phân tích kỹ hơn). Có những lúc tôi phải viết đi viết lại prompt vì AI không hiểu đoạn thơ và không trả ra được kết quả khả quan nào. Kết quả của quá trình thể nghiệm này là bộ chân dung các nhân vật Truyện Kiều hoàn toàn khác lạ so với những gì tôi-vẫn-hình-dung-bấy-lâu.
Bản dịch Truyện Kiều của dịch giả Phan Huy MPH
Chị em Thúy Kiều – Thúy Vân minh họa bởi AI
4 đúc kết thú vị từ trải nghiệm ‘Truyện Kiều vs. AI’
- AI hiểu prompt bằng tiếng Anh, nhưng Truyện Kiều dịch sang tiếng Anh lại là chuyện khác. Việc này cũng giống như bạn khó (gần như không thể) dạy cho đứa trẻ ba tuổi hiểu thế nào là vẻ phong trần của một người đàn ông từng trải.
Ví dụ, nhân vật Từ Hải được miêu tả với AI là “an East Asian man lived in Ming Dynasty, was described as a tall or big man with lion’s beard, swallow’s jaw and silkworm’s brows, owned large shoulders and massive body, a brave general who was fond of a struggling life style of adventure, unmatched in martial art and skill of warfare.”
Trong đoạn prompt, tôi đã sử dụng nhiều từ ngữ và thông tin thừa mà AI không cần hoặc không hiểu như “was described”, “lion’s beard”, “swallow’s jaw”, “fond of a struggling life style of adventure”. Ngoài ra, tôi cũng tránh không dùng luôn từ Trung Quốc trong câu lệnh, mà sử dụng chữ người Đông Á, để cố gắng không tạo ra một hình ảnh quá ‘Trung Hoa anh hùng’.
- Prompt không nên chứa các từ trừu tượng. Bản dịch tiếng Anh của Truyện Kiều mà tôi tìm thấy trên internet bám khá sát nguyên tác. Nhưng nguyên tác vốn là truyện thơ bằng chữ Nôm với nhiều ẩn dụ và miêu tả mang tính ước lệ kiểu như “râu hùm” (lion’s beard), “hàm én” (swallow’s jaw), “mày ngài” (silkworm’s brows).Nếu mang những thủ pháp và quy ước cổ xưa đó vào prompt mà không có mô tả trực tiếp, cụ thể và chi tiết thì AI có thể không hiểu và AI sẽ trả ra kết quả theo kiểu không hiểu hoặc hiểu ở mức tương đối. Do vậy, khi viết prompt bạn nên hướng đến sự cụ thể , chi tiết (ví dụ để viết prompt cho AI vẽ một vật thì bạn nên làm rõ về hình dáng, màu sắc, độ chi tiết, v.v).
- Sử dụng các keyword giúp AI dễ hình dung nhân vật bạn muốn vẽ hơn. Ví dụ, với chân dung của nhân vật Từ Hải, bên cạnh những miêu tả ngoại hình (râu, hàm, lông mày, chiều cao, độ rộng vai, v.v), bạn có thể cân nhắc dùng keyword “general” (tướng quân) và nếu muốn thêm phần uy dũng, bạn có thể thêm từ khóa “armour” (áo giáp). Những từ khóa như vậy có vẻ dễ hiểu và dễ làm hơn cho AI.
- Chân dung do AI vẽ có thể hơi “Tây” một chút. Theo tôi chuyện này hoàn toàn không phải do prompt của bạn chưa đúng hay chưa đủ, mà chủ yếu bị chi phối bởi khả năng và trình độ của AI. Hay là các phong cách và tư liệu AI đang học tập đa phần có nguồn gốc từ phương Tây.
Dù sao đi nữa, tôi vẫn rất thích hình ảnh các nhân vật Truyện Kiều mà AI đã tạo ra. Quả thật, Kim Trọng vẫn rất mực đẹp trai, tài hoa. Mã Giám Sinh đúng về bản chất nhưng lạ về ngoại hình.
Chàng Kim Trọng vốn dĩ vẫn nho nhã
Cũng là Mã Giám Sinh nhưng lạ lắm
AI đã vẽ những nhân vật khác như thế nào?
Trên đây là một chương trong ebook ‘học vẽ với AI’ tôi đang chuẩn bị ra mắt. Quyển sách này dành cho mọi người, không yêu cầu bạn biết vẽ hay thiết kế, càng không cần biết lập trình.
Chỉ cần bạn yêu thích vẽ và sáng tạo, các thao tác còn lại đã được giải thích cụ thể, đơn giản và dễ hiểu trong sách “AI Art 101: Sáng tạo hình ảnh với trí tuệ nhân tạo”.