Biên tập: Châu Phạm
Dịch: Nhiên Nguyễn
Sáng tạo món ăn là công việc của đầu bếp và nhiều đầu bếp còn nâng tầm công việc của mình lên mức nghệ thuật. Để một món ăn mới được công nhận, người đầu bếp cần phải chứng tỏ tài năng của mình và thuyết phục được những vị khách từ dễ đến khó. Tuy nhiên, ở xứ Chùa Vàng, có một món ăn quốc dân đã ra đời không phải từ những người mang tạp dề, không phải theo cách thường thấy mà từ quyết sách của một chính trị gia, thủ tướng Phibun.
Xét về đảo chính, thì Plaek Phibunsongkhram đã làm tốt.
Năm 1938, Phibun trở thành thủ tướng. Sáu năm trước, sĩ quan quân đội Phibunsongkhram, hay còn gọi là Phibun theo những sử sách phương Tây, giữ vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính tước bỏ quyền lực tuyệt đối của chế độ quân chủ ở Thái Lan. Một năm sau đó, ông nắm giữ vị trí tương đương với Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay, sau khi dẹp tan cuộc nổi dậy do phe bảo hoàng phát động.
Khi vừa lên nắm quyền, tình hình đất nước khiến ông lo lắng. Thái Lan (lúc này còn gọi là Xiêm) chưa từng bị đô hộ nhưng lại lọt thỏm giữa các thuộc địa của Anh và Pháp. Bên cạnh đó, Xiêm còn là một quốc gia đa dạng sắc tộc với bản sắc địa phương đặc sắc, và chế độ quân chủ vừa bị Phibun tước đi quyền lực vốn đã gắn bó lâu dài với người dân nơi đây.
Lo ngại về nền độc lập quốc gia, sự chia rẽ trong nước và hơn hết là nhằm củng cố quyền lực của chính mình, Phibun quyết định thay đổi bản sắc và văn hoá của Thái Lan. Sự thụ hưởng nền giáo dục châu Âu giúp ông nhận ra đất nước của mình còn cục bộ và lạc hậu, do vậy, ông hướng đến việc đưa Xiêm trở thành một quốc gia lớn mạnh, có tinh thần dân tộc và hiện đại.
Giống như cách một sĩ quan huấn luyện tân binh, Phibun ban hành 12 chỉ thị văn hoá (12 Cultural Mandates) nhằm khích lệ người dân làm việc hiệu quả, cư xử chuẩn mực và tự hào về văn hoá của mình.
Một số yêu cầu trước đây của Phibun – như đội mũ ở nơi công cộng – giờ không còn nữa, nhưng những chỉ thị khác – trong đó có quyết định đổi tên nước thành Thái Lan – vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Và một trong số các chỉ thị đã thay đổi lịch sử ẩm thực mà không phải ai cũng biết.
Như một phần của chiến dịch, Phibun ra lệnh tạo ra một món ăn quốc hồn quốc tuý: món pad Thái.
Ăn theo cách người Thái
Pad Thái không phải là món ăn du nhập từ nước ngoài như món Gà xào tương (General Tso’s chicken). “Khi nào cần thử món Thái chúng tôi sẽ gọi pad Thai đầu tiên vì đây là cách để đánh giá chất lượng của một nhà hàng”, đầu bếp người Thái Nick Srisawat chia sẻ với Gastronomica. Pad Thái là món ăn phổ biến trên những đường phố ở Bangkok, lẫn những khu làng nhỏ xa xôi trên đất Thái.
75 năm trước, khi Phibun quyết định tái thiết văn hoá Thái Lan, chưa ai biết đến món pad Thái. Cơm ăn kèm với tương ớt, rau thơm và muối vẫn là thực phẩm chủ yếu. Người Thái cũng mua đồ ăn trưa hoặc đồ ăn vặt ở những quầy hàng rong của người Hoa.
Nguồn gốc chính xác của món pad Thái vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo một số ghi chép, Phibun đã tổ chức một cuộc thi để tạo ra một món ăn quốc dân. Tuy nhiên, con trai của Phibun lại chia sẻ với Gastronomica rằng gia đình anh đã nấu pad Thai trước cả khi Phibun ban hành chính thức nhưng anh lại không nhớ ai là người nghĩ ra nó.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, nguồn gốc của pad Thái xuất phát từ Trung Quốc. Tên gọi đầy đủ của pad Thái là kway teow phat Thai. Kway teow nghĩa là hủ tiếu trong phương ngữ Trung Quốc và tên của món ăn được hiểu là hủ tiếu xào kiểu Thái. Hủ tiếu và món xào là những món ăn đậm chất Trung Hoa và những người Trung Quốc nhập cư đã đem truyền thống ẩm thực này đến nước Xiêm. Me, đường thốt nốt và ớt lại là những hương vị đặc trưng của người Thái.
Bằng cách phổ biến công thức nấu và quảng bá món pad Thái, Phibun đã biến một cách chế biến hủ tiếu xào tiềm năng thành một món ăn dân tộc. Ông tin rằng pad Thái có thể giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng thay vì ăn cơm thường xuyên.và việc chế biến pad Thái trong những chiếc chảo sạch sẽ cũng giúp cải thiện sức khỏe người dân.
Trên hết, Phibun muốn hợp nhất đất nước qua việc sử dụng một món ăn dân tộc đặc sắc. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, pad Thái vẫn độc đáo hơn so với những món mì khô hoặc mì nước ở các hàng ăn của người Trung Hoa. “Đây là một phần trong chiến lược xây dựng quốc gia của Phibun để đề cao “bản sắc Thái” và kiến tạo “Truyền thống vĩ đại của Thái Lan”, Penny Van Esterik viết trên tờ Materializing Thailand.
Chỉ trong vòng vài năm, những quầy bán pad Thái mọc lên khắp nơi trên các đường phố ở Bangkok. Con trai của Phibun gọi pad Thái là “món fast food đầu tiên ở Thái Lan”.
Ngày nay, nghe có vẻ lạ, nếu một chính trị gia ra mệnh lệnh nào đó liên quan đến một món ăn quốc dân. Nhưng ở thời điểm mà Phibun quyết định quảng bá món pad Thái, những nỗ lực của ông hoàn toàn khác xa so với việc cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama xuất hiện cùng với những nhân vật Sesame Street để khuyến khích trẻ em ăn rau.
Phibun – một nhà độc tài quân sự đã sống sót qua nhiều cuộc đảo chính và Thế chiến thứ II – quyết định quảng bá món pad Thai khi ông tin rằng, tương lai chính trị của bản thân và vận mệnh của đất nước đang lâm nguy.
Tại sao yếu tố văn hoá lại quan trọng (đối với một kẻ độc tài)
Khi Phibun trở thành thủ tướng, Xiêm là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa bị đô hộ bởi các cường quốc phương Tây. Ông tin rằng chính nỗ lực của các nhà vua trong việc xây dựng một nước Xiêm giàu bản sắc văn hóa và hiện đại đã bảo trợ cho nền độc lập của quốc gia này.
Người châu Âu biện minh chủ nghĩa thực dân bằng tên gọi “sứ mệnh khai hóa văn minh” cho những người bản địa lạc hậu. Điều này khiến văn hoá có sức mạnh răn đe không kém vũ lực. Khi các nhà ngoại giao đến thăm nước Xiêm vào thế kỉ 19, nhà vua đã chiêu đãi họ những vũ khúc “nhằm gây ấn tượng với các vị khách ngoại quốc về thẩm quyền, tính hợp pháp và sức mạnh của vương triều nước Xiêm”.
Chỉ thị văn hoá của Phibun kế tục công việc của vua Xiêm, những người đã tìm cách thống nhất và hiện đại hoá đất nước để minh chứng một nước Xiêm hùng mạnh cho người phương Tây. Phát biểu trước công chúng năm 1941, Phibun tuyên bố: “Trong nỗ lực kiến thiết một quốc gia có nền tảng vững chắc và trường tồn, chính phủ buộc phải cải cách và tái thiết các khía cạnh khác nhau của xã hội, đặc biệt là văn hoá”.
Dưới thời của Phibun, chính phủ Thái Lan đã đặt ra một cách gọi mới cho văn hóa bao hàm ý nghĩa của tiến bộ và đạo đức. Trong một cuộc họp nội các, Phibun đã giải thích tầm quan trọng của chiến dịch văn hoá do ông khởi xướng như sau:
“Chúng ta phải là những người có văn hóa như những dân tộc khác, nếu không, sẽ không ai muốn đến và tiếp xúc với chúng ta. Hoặc nếu có, họ sẽ đến như những kẻ thượng đẳng. Thái Lan lúc đó sẽ trở nên bất lực và sớm trở thành thuộc địa. Nhưng nếu người Thái có văn hóa cao, chúng ta có thể giữ vững tính chính trực, nền độc lập cũng như mọi thứ cho riêng mình.”
Hầu hết các chiến lược của Phibun nhằm tạo ra một bản sắc chung và hiện đại đều rõ ràng hơn nhiều – dù thường mang tính ép buộc – nếu so với hoạt động quảng bá món ăn dân tộc của ông. Chính phủ đã cải cách và chuẩn hóa tiếng Thái, đồng thời cấm các ngôn ngữ cũng như phương ngữ khác trong trường học. Họ đóng cửa các tòa án Hồi giáo của người thiểu số Mã Lai ở Thái và người Thái được ưu tiên trong các ngành nghề vốn do người Trung Quốc thống trị. Chính phủ cũng cải cách các chương trình giảng dạy ở trường học nhằm nhấn mạnh sự đoàn kết và một lịch sử chung của Thái Lan.
Những tuyên bố của Phibun cũng mang dấu ấn một nhà lãnh đạo đang thống trị chính đất nước của mình. Khi Thế chiến thứ II sắp diễn ra, chủ nghĩa phát xít của Hitler và Mussolini đã thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt là đối với một lãnh đạo quân sự trẻ tuổi. Ba Maw, người lãnh đạo Miến Điện thời điểm đó, đã mô tả sức cám dỗ của phe Trục ở phía Đông là “như bị mê hoặc”. Người dân say mê với hình ảnh một “nhà lãnh đạo xuất chúng, người sẽ giải cứu dân của mình.”
Một đôi lần, Phibun đóng vai một nhà dân chủ. Tuy nhiên ông chủ yếu vay mượn hào phóng chính sách của chủ nghĩa phát xít để xây dựng một nền văn hóa lấy nhà nước làm trung tâm từ chính sự sùng bái bản thân. Những bức chân dung của Phibun được dựng lên trên khắp đất nước và truyền thông nhà nước ngày nào cũng đưa tin về ông. Sinh nhật của Phibun đã trở thành một ngày lễ quốc gia và người dân gọi ông là “Lãnh tụ”. Các vở kịch do nhà nước hậu thuẫn mô tả các anh hùng quân đội Thái Lan và sự hy sinh cao cả cho tổ quốc, đồng thời chính phủ đã tổ chức các nhóm thanh niên quân phiệt mang tính chất Đoàn Thanh niên Hitler hơn là Hướng đạo sinh.
Tác động này khiến cho chiến dịch văn hóa của Phibun giống như lời tuyên bố của một lãnh tụ nhằm đáp ứng sự mong đợi của người dân, hơn là khơi dậy một mặt trận trong cuộc chiến văn hóa; là một tuyên ngôn từ Mao Trạch Đông hơn là một khuyến nghị của Franklin D. Roosevelt.
Theo quan điểm lịch sử, nhiều tuyên bố và chính sách của Phibun nghe có vẻ khôi hài. Ông bảo người dân mặc quần Âu và váy đầm thay vì trang phục truyền thống của Thái Lan. Ông ra lệnh đội mũ nơi công cộng và không được ăn trầu. Ông cũng cho lời khuyên nên ngủ bao lâu mỗi đêm và tần suất thăm hỏi người thân.
Dù vậy, Phibun đã thực hiện nghiêm túc từng phần một trong chiến dịch văn hóa của mình. Đạo luật Văn hóa Quốc gia đưa ra những hình phạt nếu vi phạm các sắc lệnh của chiến dịch. Ngay cả khi Thế chiến thứ II bắt đầu, ông đã sử dụng một kênh radio để nhắc nhở người dân: “Các quý cô không được nghĩ rằng đội mũ trong thời chiến là không cần thiết. Chính ngay lúc này và hơn bao giờ hết, tiếp tục đội mũ là điều thiết yếu.”
Phibun cũng coi trọng việc phổ biến món pad Thai – hoặc có lẽ ông chỉ đơn giản xem nó như một dự án cá nhân của mình. Dù thế nào ông cũng đã dành nguồn lực đáng kể cho việc quảng bá món ăn này. Bộ Phúc lợi Công cộng đã phân phát công thức cũng như một lượng lớn xe đẩy dùng để bán món Thái. Trong khi đó, Phibun cấm các quầy hàng rong bán món Hoa và những món du nhập khác như một phần trong chiến dịch “Mua đồ Thái” của mình. Các nhà tuyên truyền cũng phát động một chiến dịch với khẩu hiệu “Mì (hủ tiếu) là bữa trưa của bạn”.
Khi pad Thái trở thành món ăn phổ biến nhất của đất nước, Thamsook Numnonda viết trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á rằng, Plaek Phibunsongkhram (Phibun), một thủ tướng Thái Lan trong khi phải ra quyết định có nên đứng về phía Nhật Bản chống lại quân Đồng minh trong Thế chiến thứ II i hay không vẫn phải “theo sát tiến trình của dự án hủ tiếu”.
Lịch sử ra đời của món pad Thái khá thú vị. Tuy nhiên, một số dữ kiện lịch sử cho thấy câu chuyện pad Thái kể trên không phải là bản duy nhất.
Mặc dù không tạo ra món kebab, Mustafa Kemal Atatürk đã giành được danh hiệu “cha đẻ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại” cho công lao hiện đại hóa đất nước vào những năm dẫn đến Thế chiến thứ II. Giống như Phibun, ông tin rằng để bắt kịp châu Âu không chỉ đòi hỏi áp dụng công nghệ và chiến lược quản lý mà còn cần có những thay đổi ở trang phục, kiến trúc và phong tục của đất nước.
Lịch sử có đầy các ví dụ về những món ăn tinh hoa nhưng lại non trẻ về tuổi đời. Nhắc đến ẩm thực Ý, chúng ta nghĩ ngay đến pizza và mỳ Ý. Tuy nhiên, nguồn gốc của quả cà chua không phải từ Ý mà chỉ được du nhập vào châu Âu sau khi những người đi chinh phục Nam Mỹ trở về.
Không có thực phẩm nào được cho là đặc trưng Ailen hơn khoai tây. Ngoại trừ việc lần đầu tiên đến Anh, khoai tây bị cho là chỉ dành cho động vật, như tất cả các loại củ khác. Rachel Laudan, tác giả cuốn Ẩm thực và Đế chế, đã nói: “Người nghèo ở châu Âu đã buộc phải chấp nhận khoai tây vào thế kỷ 17 và 18”.
“Mất bao lâu để tạo ra một món ăn?” Laudan viết. “Không lâu: ít hơn năm mươi năm, dựa trên kinh nghiệm của người đi trước.”
Ẩm thực ít khi không biến đổi nhưng chúng ta lại thường bị ám ảnh về cái gọi là món “chính thống”. Ẩm thực cũng không phản ánh việc chúng ta là ai mà chính là, chúng ta đã quyết định – hoặc có khi bị ép buộc – trở thành ai.
Vốn dĩ tò mò, con người luôn tìm tòi nguồn cội của mọi thứ và ẩm thực là một đề tài thú vị. Những món ăn từ phố phường cho đến vương giả đều sở hữu một câu chuyện hoặc có khi là một lịch sử hào hùng. Điều đó đã góp phần tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc.
Phở là món ăn yêu thích không chỉ của người Việt Nam mà còn dễ dàng làm say đắm nhiều du khách nước ngoài. Bạn có từng nghĩ có điểm chung nào giữa Phở Việt Nam và món ăn của người phương Tây? Bài viết “Nguồn gốc món phở Việt: Phở Bắc và phở Nam, cuộc tranh luận chưa bao giờ nguội” có thể sẽ cung cấp cho bạn những thông tin thú vị.
Nếu bạn quan tâm đến ẩm thực trên thế giới, hãy ghé thăm trang của chúng tôi. Bài viết tiếp theo có thể sẽ là “Cuộc chiến khẳng định chính mình của Pizza Hawaii”