Đã qua 3 mùa Thương Vụ Bạc Tỉ (Bể Cá Mập), mọi người đều thích xem Shark Tank, các fan hâm mộ lại càng hào hứng với mùa 4 sắp tới. Cùng với hàng loạt câu hỏi của fan và hàng trăm bài viết chia sẻ, nhiều câu hỏi cũng fan cũng được đặt ra mà không được trả lời.
Lẩu Marketing tìm cách trả lời những câu hỏi hóc búa nhất của người hâm mộ khi xem chương trình Thương vụ bạc tỉ Việt Nam.
Team Lẩu đã trải qua hơn 48 giờ thu thập các thông tin chi tiết của từng tập từ mùa 1 đến hết mùa 3 để có dữ kiện trả lời cho những câu hỏi hóc búa của người hâm mộ và khán giả theo dõi chương trình.
Đầu tiên, sơ lược Bể Cá Mập (Shark Tank) Việt Nam qua những con số:
- 45 tập qua 3 mùa.
- Tổng số đội tham gia gọi vốn là 133
- Số thương vụ thành công là 77. Chiếm 58% số bài gọi vốn.
- 686 tỉ là tổng số tiền cam kết đầu tư của các Cá Mập.
- Tương ứng với tổng mức định giá của các công ty là 2.944 tỉ.
Ai tham gia gọi vốn ở Shark Tank Việt Nam?
Dữ liệu mà chúng tôi sử dụng được thu thập từ 45 tập được phát sóng với 133 thương vụ gọi vốn, những thương vụ nào nhận được cam kết đầu tư, ngành nghề của doanh nghiệp, giới tính của người/đội ngũ sáng lập, số vốn họ đã yêu cầu (số tiền tính theo tỉ đồng VN, tương ứng với số % cổ phần, và định giá của công ty); chi tiết của thương vụ được đầu tư (số tiền, tương đương cổ phần, và định giá của shark); Cá Mập nào tham gia, địa điểm/trụ sở của doanh nghiệp gọi vốn.
Đầu tiên là về giới tính của các thành viên tham dự Shark Tank VN.
6 trên 10 đội tham gia Shark Tank là nam, hoặc là đội toàn nam, chỉ có ¼ là đội nữ. Con số này cũng tương đương thông tin do thứ trưởng Bộ LDTBXH công bố về số lượng doanh nhân nữ ở Việt Nam chiếm 27,8% vào năm 2018, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 6/57 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Ngoài ra, các doanh nghiệp có nữ giới trong đội ngũ sáng lập chiếm khoảng 15% tổng số đội.
Ngành nghề của các công ty tham dự SharkTank
Tiếp theo là về tính đa dạng của các ngành nghề trong Shark Tank Việt Nam, với hơn 133 công ty lên sóng được phân chia như sau:
Hơn 60% số thương vụ liên quan đến 4 ngành nghề: Phần Mềm/Công Nghệ (34%), Thực Phẩm (11%), Lifestyle/Home Product – Phong cách sống/Sản phẩm phục vụ Nhà, Gia Đình (8%) và Nông Nghiệp (8%).
Các sản phẩm liên quan đến Công Nghệ và Kĩ Thuật, thường được các Cá Mập đánh giá cao và chú trọng đầu tư, bên cạnh đó là những mảng truyền thống mang lại nhiều lợi nhuận như Thực Phẩm, Chăm sóc sức khỏe và gia đình.
Ai là những người gọi vốn thành công?
Trong lịch sử 3 mùa đã qua, 58% số đội đã thành công gọi vốn (77/133).
Giới tính của đội ngũ sáng lập có ảnh hưởng tới kết quả nhận đầu tư trên Shark Tank Việt Nam? Các founder nam chiếm 68% trong nhóm những công ty được Shark đầu tư, nữ 25%. Hỗn hợp: trong đội ngũ sáng lập có ít nhất 1 thành viên nữ.
Quan sát sâu hơn về dữ liệu giới tính của các đội chiến thắng, 19 trong số đó là nữ (25%), 52 là nam (68%) và còn lại ~8% là đội có ít nhất 1 nữ (6 đội).
Trên thế giới, theo công bố của tạp chí Fortune ‘Các nữ sáng lập viên chỉ nhận được 2,2% tổng số tiền đầu tư năm 2018’. Trong khi đó trên Shark Tank Việt Nam, các nữ founder nhận được cam kết đầu tư gần 96 tỉ VND, chiếm 14% tổng số vốn đầu tư của các cá mập. Còn lại gần 80% vốn đầu tư dành cho các founder nam.
Tỉ lệ thành công của nữ trong Shark Tank VN là 58%, 33 công ty do nữ dẫn dắt tham dự pitching thì 19 trong số đó nhận được đầu tư. So sánh với 68% các doanh nhân nam thành công (52/80 doanh nghiệp do nam giới dẫn dắt) và nhận được cái bắt tay của Shark. Các công ty có đội ngũ sáng lập bao gồm nam và nữ, có tỉ lệ gọi vốn thành công thấp nhất, chỉ 30% số team hỗn hợp có thể dành được deal từ shark.
Việc phân chia các ngành dựa vào số lượng công ty tham gia gọi vốn thuộc ngành đó. Mỗi ngành ít nhất 5 thương vụ. Nếu các ngành không đủ số lượng tổi thiểu sẽ được gộp vào mục ngành Khác.
Một vài ngành đặc thù (có số lượng pitch nhỏ) nhưng lại có tỉ lệ khác biệt như: 100% (6/6) thương vụ ngành du lịch được nhận đầu tư, trong khi đó chỉ 33% (2/6) thương vụ liên quan đến bất động sản được các shark chấp nhận bỏ vốn tham gia.
Theo mùa, càng ngày càng đầu tư mạnh dạn hơn. |
Tỉ lệ trung bình nhận cam kết đầu tư (58%) tăng lên sau mỗi mùa. Ba năm trước, chỉ 46% thương vụ được các shark gật đầu ở mùa 1, trong khi tỉ lệ thành công ở mùa 2 và 3 lần lượt là 64 và 65%.
Có thể nói, ở mùa đầu, các shark còn dè dặt, và chưa nóng máy để tranh giành các startup. Hoặc các doanh nghiệp mới tham gia còn chưa có nhiều kinh nghiệm để rút, và họ chưa được xem và hiểu Shark Tank như bây giờ (sau 3 mùa).
Càng nổi tiếng, càng nhiều sự hâm mộ của khán giả, chương trình Shark Tank Việt Nam càng thu hút được nhiều những công ty, startup chất lượng cao với nhiều phương án gọi vốn tiềm năng và hấp dẫn hơn đối với các shark. Thêm một nguyên nhân nữa là ý định của nhà sản xuất chương trình khi muốn tăng tính tích cực và vui tươi cho một chương trình TV nhiều ý nghĩa.
Một thương vụ đầu tư thành công của Shark Tank sẽ có những đặc điểm gì?
Theo quan sát, các doanh nhân tham dự Shark Tank có tham vọng nhận được đầu tư rất lớn.
Trung bình một thành viên kêu gọi đầu tư tại Thương Vụ Bạc Tỉ thường muốn kêu gọi được khoản đầu tư khoảng 14,3 tỉ đồng, và chỉ muốn đổi khoảng cổ phần tương đương 14.6%, và tự định giá doanh nghiệp ở mức trung bình là 148.8 tỉ trong một thương vụ.
Con số lớn như vậy, vì một số doanh nhân tự định giá doanh nghiệp, sản phẩm khá cao theo các tính toán và nhận định chủ quan của họ về ý tưởng, tiềm năng và thị trường. Và như đa số trường hợp trong cuộc sống, ước vọng và thực tế lúc nào cũng có một khoảng cách.
Trong số 8 doanh nghiệp tự định giá hơn 500 tỉ VNĐ (hơn 20 triệu đô-la), chỉ có 2 doanh nghiệp nhận được đầu tư từ các Cá Mập là LuxStay và Tuabin Gió, và phần định giá và cổ phần cũng được các shark điều chỉnh hạ thấp.
Trên thực tế, mức đầu tư trung bình của một thương vụ là 5,15 tỉ; chênh lệch khá nhiều so với mức mong đợi của các doanh nghiệp (thấp hơn 64% mong đợi), cùng với đó các doanh nhân phải tăng lượng cổ phần dành cho các Shark và điều chỉnh giảm 80% định giá công ty.
Xu hướng này ngày càng có sự thay đổi khi chương trình càng nổi tiếng.
Trong mùa 1, các startup nhận được đầu tư phải đánh đổi khoảng ⅕ đến ⅙ cổ phần công ty với một mức định giá khá thấp (khoảng 7,5 tỉ). Qua 2 mùa, thì định giá trung bình của các công ty đầu tư đã tăng 6 lần lên mức 47,6 tỉ; và số cổ phần các shark nắm giữ cũng dao động từ 22% mùa 2, xuống 17% ở mùa 3.
Dù có sự thay đổi ngoạn mục về định giá startup theo mùa, nhưng không phải ai cũng được lợi từ những thay đổi này.
Các team có ít nhất 1 nữ sáng sáng lập (nữ + hỗn hợp) thường kêu gọi và nhận được đầu tư thấp hơn các đồng nghiệp nam (2,7 tỉ so với 6,79 tỉ). Startup của họ cũng thường được định giá khá thấp so với các công ty có founder là nam. (11,16 tỉ so với 31 tỉ)
Lý do: chênh lệch về mức độ tự tin của founder nữ và nam. @_@
Nhìn lại top các thương vụ đứng đầu Shark Tank Việt Nam trong 3 mùa đã qua, hơn 70% thương vụ thành công được đầu tư cho các công ty do nam lãnh đạo. (17/23 deal)
Trong tổng số 23 thương vụ có giá trị từ 10 tỉ trở lên, có 4 thương vụ dành cho startup do nữ hoặc nhóm nữ sáng lập. Trong top 10 thương vụ, chỉ có 1 thương vụ team sáng lập có thành viên nữ.
Vậy thì, tiêu chí của mỗi Shark khi lựa chọn một thương vụ là gì?
Tổng số shark đã tham dự chương trình Shark Tank Việt Nam là 13 người. Trong đó có các shark khách mời như Shark Anh, Khoa, Louis, Phi; những shark này không xuất hiện thường xuyên, nên không đưa vào phần tổng kết để tránh làm sai lệch các kết quả.
Các cá mập thường xuất hiện và đầu tư (ít nhất 5 thương vụ/mùa) gồm:
- Shark Bình
- Shark Dũng
- Shark Hưng
- Shark Liên
- Shark Linh
- Shark Phú
- Shark Thủy
- Shark Việt
- Shark Vương
Hãy cùng xem qua lịch sử đầu tư của họ trong Bể Cá Mập:
Shark Hưng tham gia liên tục trong 3 mùa và dẫn đầu về số lượng thương vụ thành công cũng như tổng mức cam kết đầu tư (15 thương vụ với tổng 146,7 tỉ đồng). Trung bình số vốn đầu tư của ông Hưng cũng đứng đầu với mức trung bình 9,78 tỉ/thương vụ.
Đứng ở vị trí thứ 2, dù không xuất hiện trong mùa 1 là Shark Việt với 13 thương vụ và tổng đầu tư đạt 111,6 tỉ đồng. Ông Việt cũng là người có xu hướng định giá các startup cao (95.5 tỉ) cùng với số cổ phần trung bình nắm giữ cao nhất trong các shark (28%).
Shark có khẩu vị đầu tư tương ứng với ngành nghề khởi điểm của bản thân. Shark Dũng có danh mục đầu tư với 46% trong ngành Công nghệ.
Trong khi đó, một trong những nữ doanh nhân đi cùng Shark Tank từ mùa đầu, Shark Linh cũng có portfolio dẫn đầu ở ngành Thời Trang/Làm Đẹp và F&B.
Do có sự mất cân bằng về giới trong các thương vụ thành công, hãy xem thêm về lịch sử đầu tư vào các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo của các Shark.
Ở đây, bức tranh hiện lên tương đối rõ. So với mức trung bình 25% đầu tư dành cho nữ sáng lập, Shark Liên dẫn đầu với 40% đầu tư dành cho team có nữ giới. Trong khi đó, bám sát là các shark Dũng, Việt, Phú với 38% thương vụ dành cho team phái đẹp.
Shark Bình mới tham gia vào shark Tank và chỉ đạt 5 thương vụ đầu tư, cũng như có ít cơ hội gặp gỡ các founder nữ nên ông không đầu tư cho cho startup được phái nữ sáng lập. Shark Hưng, và Shark Linh đã đầu tư ⅘ danh mục đầu tư vào các startup do nam sáng lập.
Ngoài sự mất cân đối về giới, các thương vụ đầu tư còn rơi vào đâu nữa?
Trả lời nhanh: Hà Nội và Sài Gòn.
Các doanh nghiệp đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 90% các thương vụ đầu tư của các Shark. |
Có thể bạn nghĩ rằng trong thời đại Internet, vị trí địa lý không quan trọng nữa. Nhưng hiện tại tiềm năng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp đến từ 2 thành phố lớn nhất nước là không thể bàn cãi. Để tăng khả năng dành được đầu tư của các shark, các doanh nhân biết làm gì rồi đó.
Nếu bạn muốn theo dõi những bài viết như thế này?
Hãy đăng ký vào hộp thư của chúng tôi để theo dõi những bài viết
Nếu bạn hoặc doanh nghiệp của bạn muốn làm việc cùng Lẩu Studio để biến dữ liệu thành những câu chuyện thú vị, hãy liên hệ với chúng tôi.
Để nhặt sạn, tặng gạch, và cộng tác xin mời để lại comment hoặc gửi email. Nhà hàng xin chịu hoàn toàn trách nhiệm cho món Lẩu Cá Mập này.
Contact: [email protected] – Bếp trưởng Lau.marketing